Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

NHỮNG CHỮ "MẶC ÁO BA LỔ" ĐỨNG TRONG THƠ LỤC BÁT - Tản Văn NGUYỄN LÂM CÚC

http://nguyenlamcuc.vnweblogs.com/gallery/2509/nhin.jpg
             (NLC)

Tại sao gọi là chữ “ mặc áo ba lổ”?
Áo ba lổ là áo thun, mặc cho mát, mặc ở trong nhà khi chỉ có những người thân.
Lúc mặc chiếc áo này không thể nói là lúc thể hiện sang trọng, tao nhã, hay hàn lâm được, mà chỉ thể hiện sự tùy tiện, thoải mái, buông thả, buông lỏng,  tầm thường…
Những chữ “không mặc gì” rất ít được dùng đối với Văn Chương Việt. Có rất nhiều chữ khi dùng trong Văn, thường thấy người ta phải dấu kín nó bằng cách viết tắt bất thường ví như tiếng chửi thề đ.m. Hay một danh từ như cái L. Trong Thơ, rất hiếm khi thấy những chữ này xuất hiện. Nếu có, chúng thường nằm trong thơ Trào Lộng và lưu truyền bằng miệng, hoặc bằng phương tiện quảng bá không chính thức. Nhưng đó là những chữ “ở truồng”. Còn chữ “mặc áo ba lổ” tất nhiên là vẫn tiếp đãi bạn thân, hàng xóm được, mà như thế là cao hơn sự dung tục một vài phân, nhưng chưa thể bằng vai phải lứa với tao nhã.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một Pháp sư tài ba, Bà có thể dùng những chữ đen đúa, đậm đặc dung tục  một cách ngạo nghễ, thách thức:
“ Kìa cái diều ai thả lộn lèo”/ Hồ Xuân Hương.
 Chữ “lộn lèo” dùng thật đắc.
Tôi tin, trước Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chưa từng có nhà thơ nào dám dùng hai chữ đó. Sau Bà, nghĩa là cho đến nay, tôi cũng chưa thấy bài thơ nào dám dùng hai chữ kia. Chỉ riêng việc dùng thành thạo, dùng đắt địa những  “quái ngữ” đủ thấy uy phong điều khiển chữ, nghĩa Nữ sĩ họ Hồ cao vời vợi.
Có “tu” thêm vài chục kiếp, hai chữ “ lộn lèo” cũng không dám mon men mé chiếu của những chữ “sang trọng” như : “mây trắng, nắng vàng, tơ nõn…” chớ đừng nói chi chiện “đồng sàng, dị mộng”
Nhưng có những chữ không “ở truồng” như thế.
Tôi từng cãi nhau đỏ mặt, tía tai với anh Trần Thiên Thị, nhưng khổ thơ này của anh thì ngấm vào tôi bằng sự hấp dẫn khó chống đỡ:
“Tình như cây trụ điện 
Tưới hoài mà không xanh
Đời như con lật đật
Thở ra cũng tròng trành”
 Tôi gọi những chữ như “cây trụ điện” là “chữ mặc áo ba lổ”. Đó là những chữ rất quen thuộc với đời sống hàng ngày, xuất hiện dày đặc trong Văn Nói, nhưng xuất hiện trong Thơ mà được ví von với Tình Yêu thì Trần Thiên Thị là người đầu tiên sử dụng. Cụm từ “ cây trụ điện” chẳng có gì hay cả, nhưng đứng vào khổ thơ trên nó trở thành cái đinh của câu thơ. Đọc khổ thơ xong thấy bị mê hoặc dù hình ảnh gợi trong khổ thơ  “cũng mặc quần cộc ” Nhưng chấp nhận vì hình ảnh đó làm khổ thơ mới mẻ.
Có thể, thơ Năm chữ. Thơ Thất Ngôn Bát Cú…là loại thơ mạnh mẽ, đối nhau chan chát, nhạc điệu và sự mượt mà khác hẳn với Lục Bát. Vì thế, dùng chữ “áo ba lổ” hay “ chữ mặc quần cọc” trong Lục Bát cực kỳ khó. Khó nhưng không phải là không thể, vấn đề nằm ở chỗ người viết ở tầm nào, hiểu và vận dụng chữ ra sao. Mời quí vị đọc hai bài Lục Bát dưới dây của Nguyễn Hùng :

LÕA LÒNG. 
Đôi khi  tuột luốt cõi lòng 
Thử xem nóng lạnh lúc không mưu đồ 
Chợt nghe trong cõi lõa lồ 
Trái tim thèo lẻo ngây ngô nhớ người.

 ĐIÊU THUYỀN.
Điêu Thuyền! Mẹ kiếp,... Điêu Thuyền! 
Nửa con mắt liếc ba miền điêu linh 
Chén nghiêng đổ Phụng Nghi Đình 
Đâu hay chiến mã nát mình ngoài hiên.
                                          ( Nguyễn Hùng)

Hai bài Lục Bát trên dùng những chữ : “Lõa lồ, tuột luốt, thèo lẻo”…là. những chữ này ít khi xuất hiện trong thơ, nhất là Lục Bát. Chữ “ mẹ kiếp”. Một tiếng chửi thề lại càng vắng tanh, vắng ngắt. Ai mà lại đem tiếng chửi vào một thể thơ lúc nào cũng ngân nga vang vọng bao giờ. Nhưng không. Sự táo bạo của người dùng, biết cách kềm chế được chữ, bỏ vào đúng không gian, thời gian, ngữ cảnh, tình cảm,…đã khiến chữ thô lậu thành…Thơ mộng. Và làm cho thể thơ cổ hàng trăm năm bỗng trẻ thơ, và ngây thơ.
“Trái tim thèo lẻo ngây ngô nhớ người”
Một khái niệm riêng của Nguyễn Hùng “Trái tim thèo lẻo”. Người khác nói “ Trái tim là nấm mồ” “ Trái tim là kho báu”  trái tim là…vv. Nguyễn Hùng nói, nó thèo lẻo. Thì đã sao!? Một khái niệm đủ ý nghĩa. Thích khái niệm đó hay không là việc của bạn. Việc của Nguyễn Hùng đã góp thêm vào vốn tiếng Việt một khái niệm.
Có lần, tôi đọc được ở blog anh Tống Phước Trị một sự so sánh, câu như sau: “ …văn Chị viết mượt như quần lĩnh…”. Tôi lặng người vì sung sướng, vì đọc được một so sánh mới. Ừ, cái quần vải sa tanh, quần lĩnh bóng loáng, mướt rượt của một thời. Phải. Cứ so sánh như thế, việc gì phải nói đi, nói lại rằng câu văn mượt như nhung, mềm như lá nõn, óng ả như mây trời?..
Anh Tống Phước Trị đã tạo ra một so sánh mới. Khâm phục sự sáng tạo này của anh.
Trong kho Tiếng Việt còn hàng đống tiếng nói, chữ viết chưa dùng, tại sao cứ phải viết những câu thơ ăn vần :
Nhớ anh ghê/ Anh lâu về/ Em chán chê.
Hay. Trên bờ đê/ Dâu xanh phê/ Nhìn rất mê?
 Bạn không thấy sao, những chữ đẹp đó đã được dùng đi, dùng lại hàng vạn lần khiến chữ mòn vẹt nhìn mà thương!
Đọc những câu thơ có chữ mới toanh, trước hết là bất ngờ, kế liền nó là khâm phục, sau nữa vỡ ào vui sướng vì được chiêm ngưởng cái lạ, đẹp, khác hẳn của một tác phẩm.

 “Đầu cơ một suất niết bàn
 Bỏ nghề chạy chợ chuyển sang chơi chùa. TTT”
………………..
Ngửa ra cái thớt chiều hôm
bằm dăm sợi nắng chẻ nồm luồn mây
     
…Chiều rơi cái vạt à uôm
Thớt mình đau nhát gió luồn chém không…”
     
                                                         (Trích “Chuyến Hạ” của Thuận Nghĩa)
Tháng ba

Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười
Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn

Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không

Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng
he...he/
                            (Kim Oanh)

 Trong hai trích đoạn và bài thơ của Kim Oanh trên có những từ khiến người ta chuyển từ kinh ngạc này sang ngạc nhiên khác. Ví dụ như Trần Thiên Thị dùng từ “ Đầu cơ” để đầu cơ một suất Niết bàn. Thuận Nghĩa thì đưa ra “cái thớt”. Trời ạ, cái thớt, hay cái mặt thớt mà vô thơ Lục Bát hay rứa không lạ sao được? Lại còn ngửa cái mặt thớt lên, ra sức bằm trên đó mà vưỡn cứ hay!
Còn Kim Oanh thì tiện tay ném luôn vào thơ của mình hai chữ hehe”.
He he là một động từ “nham nhỡ”. Đó là tiếng cười “phàm phu tục tử”. Ngày xưa, các cô gái hiền thục chỉ cười nửa miệng, đi nhẹ, nói khẽ. Còn cười mà he he như thế này thì ế dài, ế rạc Kim Oanh nhé.
Nhưng thử bỏ hai chữ hehe kia khỏi câu thơ của KO, sẽ thấy không còn KO nữa. Không còn một lối viết trữ tình, dí dõm rất thông minh nữa…
Trong bài viết này, tôi chỉ nói về cách dùng chữ dân dã, tiếng nói chợ búa  vào thơ Lục Bát. Không nói đến ý nghĩa bài thơ, mặc dù ý nghĩa các bài thơ sâu lắng, gợi cảm và hàm chứa nhiều tầng vỉa thông tin.

                                 (NGUYỄN LÂM CÚC)