Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG "MÌNH ƠI!"


-KARAOKE CÙNG TIẾNG HÁT QUANG THƠM (VIỆT NAM):
      NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG “MÌNH ƠI " Sáng tác của Ngọc Quang, được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hùng Nguyễn ( hiện đang định cư tại Mỹ). Đây là một trong những ca khúc của Ngọc Quang được nhiều bạn bè và người yêu nhạc yêu mến, chia sẻ và đồng cảm. Để đáp lại tình cảm của các bạn và cũng để đáp ứng yêu cầu của nhiều người Ngọc Quang đăng lại bài hát này với hình thức karaoke và một sắc thái, cung bậc tình cảm mới qua tiếng đàn bầu hết sức ngọt ngào và đầy quyến rũ của nghệ sỹ Thanh Lê ( hiện đang định cự tại Đức ).
Chúc tình yêu của các bạn và gia đình luôn ngọt ngào như hai tiếng “ MÌNH ƠI “
                                                               (NGỌC QUANG)

NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG “MÌNH ƠI” ! Thơ: Hùng Nguyễn Nhạc: Ngọc Quang Ca sỹ Quang Thơm.



-ĐỘC TẤU ĐÀN BẦU DO THANH LE (ĐỨC) BIỂU DIỄN:
NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG ” MÌNH ƠI " . Thơ: Hùng Nguyễn ( Mỹ ) )
Nhạc: Ngọc Quang ( Việt Nam ) Độc tấu đàn bầu: Thanh Lê ( Đức ) Một tác phẩm âm nhạc có sự đồng điệu của 3 tác giả chưa từng quen biết nhau và ở 3 châu lục khác nhau… ôi âm nhạc quả là kỳ diệu !


-NGUYÊN TÁC BÀI THƠ:

NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI
                      (Thơ Hùng Nguyễn)

Khi không, em thỏ thẻ hai tiếng "Mình ơi!"
Nhỏ nhẻ thế mà níu chiều chựng lại
Như bàn tay trái nắm nhầm bàn tay phải
Thân thương sao, đâu sá nệ mấy phương trời

Bắt chước em, ta gọi lại "Mình ơi!"
Nghe tiếng "Dạ" mà mùa Đông trẩy nắng
Khoảng cách đâu rồi, một trời xa vắng
Gần gũi sao, da diết đến chơi vơi

Thế rồi, ta quen miệng gọi nhau "Mình ơi!"
Mặc nợ duyên không nên nghĩa vợ chồng
Đi qua bão tiếng hời cao lồng lộng
Xuôi dòng tình rót khúc vọng lả lơi

Khi chúng mình gọi nhau hai tiếng "Mình ơi!"
Là sông rủ sông cùng tìm về biển cả
Là mặn mòi đầy đại dương vời vợi
Là hồi môn tặng đời một huyền thoại phù sa

Nhé em, hãy cứ gọi nhau "Mình ơi!"
Âu yếm, giản đơn, thật thà như độc thoại
Xuyên nỗi nhớ, em gọi: Mình ơi...! trong hoang dại
Linh tính... anh nằm một mình cười mỉm... Mình ơi!


-CẢM NHẬN CỦA LAN PHƯƠNG KTV (VIỆT NAM):
 
Cảm nhận về ca khúc NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI
Lời thơ: Hung Nguyen
Âm nhạc: Ngọc Quang Nhạc Sĩ
Trình bày: Ca sĩ Quang Thơm 
--------------------------------------

Từng giọt đàn bầu thả sóng sánh cùng tiếng sáo vút lên ngay từ khúc intro và điểm xuyết theo suốt dòng ca khúc đã đưa người nghe về một miền quê êm ả. Hình như đang là cuối chiều? Cảm nhận được nắng dịu dần trước ngõ, mái chèo tạm ngừng xuôi ngược… Để bước chân ai bình yên trở về theo tiếng gọi thân thương: “Mình ơi!”

Quãng lặng ngắn đặt trước câu hát đầu tiên tạo ra một khoảng không gian tĩnh, rất phù hợp với cụm ca từ “Bỗng dưng em gọi…” cất lên sau đó.

Khi không, em thỏ thẻ hai tiếng "Mình ơi!"
Nhỏ nhẻ thế mà níu chiều chựng lại
(Nguyên tác thơ)

“Khi không”; “Bỗng dưng” có vẻ như bất ngờ mà lại thấy thươngquen ngay được nhờ tiếng gọi dịu dàng đến mức thời gian cũng muốn ngưng lại lắng nghe. Điều tưởng như phi lý trong thơ Hùng Nguyễn lại trở nên quá đỗi đời thường. Hình ảnh ẩn dụ, ngôn ngữ cách điệu trong bài thơ đẹp đến ngỡ ngàng:
“Nghe tiếng "Dạ" mà mùa Đông trẩy nắng”
Hay:
“Là sông rủ sông cùng tìm về biển cả” 

NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI thoáng qua tưởng chỉ là một lời tự sự chân tình, nhưng thực ra đã mang sẵn tính nhạc trong từng ngữ nghĩa.
Nhạc sĩ Ngọc Quang đã nhìn thấy được cái thần của bài thơ, chọn cung Mi thứ để gieo những “Hạt” nhạc đúng mùa, đồng điệu đến từng nhịp phách. Như thể “Mạ già, ruộng ngấu”, bài hát nẩy chồi, vươn xanh tức thì. Thơ đã thật sự được chắp cánh bay lên.
Sự tinh tế nhất của nhạc sĩ ở đây là dùng âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ làm giai điệu chủ đạo khi phổ. Bởi cách gọi vợ chồng bằng "Mình" có nguồn gốc từ vùng miền đó. Những nốt nhạc chân phương không thăng giáng làm nên âm giai mộc mạc nhưng không kém phần da diết. Bài ca man mác tựa lời ru ca dao, quyện chặt lấy từng câu chữ.
Tiếng gọi “… Ơiiiii” trở nên tha thiết hơn và gia tăng hiệu ứng cảm xúc khi nhạc sĩ Ngọc Quang đưa node Mi tăng lên hẳn một bas độ ở đó.
Chỉ hơi tiếc một chút ở câu: “Là sông rủ sông cùng tìm về BIỂN CẢ” hơi bị “Cưỡng thanh” khi gieo node La (Biển): Si (Cả). Giá như tác giả hạ Node La xuống thành node Mi (Biển) và thay node Si trắng bằng cụm luyến ba node Mi+La+Si (Cả) thì sẽ không làm “”Đổi dấu” ca từ mà vẫn liền mạch được với hợp âm kế tiếp.

Nhạc sĩ Ngọc Quang không “Hát thơ”, nghĩa là không phổ toàn bộ bài thơ mà tinh tế chọn lọc, hoán vị thậm chí thêm bớt câu chữ. Tôi rất thích cách xử lý vài ca từ của anh, đặc biệt ở câu:
"Âu yếm, giản đơn, thật thà như CÂY TRÁI" 
Nhờ đó, bài thơ đã vượt ra ngoài sự riêng tư để ai cũng có thể thả tâm tư của mình trôi theo dòng chảy êm dịu của ca khúc.

Ca sĩ Quang Thơm - Bằng chất giọng đầm ấm ngọt ngào của mình - Đã góp phần làm nên sự thành công của ca khúc. Chi có một sơ suất nhỏ khi hát chữ “Mình” trong câu “Thầm gọi hai tiếng mình ơi”ở lượt hát đầu tiên anh phát âm bằng tiếng địa phương thành“Mìn” và câu “Gửi theo…” thành “Gưởi theo…” làm giảm chút xíu sự chuyên nghiệp của ca sĩ.

Đến đây, xin được trích lời của nhạc sĩ Ngọc Quang viết “Phi lộ” cho tác phẩm NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI:

“Nếu tất cả các đôi vợ chồng trên thế giới đều gọi nhau bằng hai tiếng "Mình ơi " thì tôi tin rằng nhân loại sẽ không còn tội ác, thế giới sẽ không còn chiến tranh và lúc đó TÌNH YÊU sẽ lên ngôi và ngự trị trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu bạn nào không tin thì cứ thử gọi vợ mình ( Hoặc chồng ) bằng hai tiếng " Mình ơi " đi. Điều kỳ diệu sẽ đến ngay với bạn!”
Cảm ơn anh Hùng Nguyễn, nhạc sĩ Ngọc Quang và ca sĩ Quang Thơm đã tặng cho đời một tác phẩm có giá trị./.

                                              (LAN PHƯƠNG KTV)
-------------------------------------------------------------------