. *(Một khi Nguyễn Lâm Cúc ghé mắt vào thơ Hùng Nguyễn).
.....................HÙNG NGUYỄN- CHƯA CHI ĐÃ HẾT ĐỜI…
Đó là tựa tập sách mà khi nó đập vào mắt gây ra hiệu ứng…cười. “CHƯA CHI ĐÃ HẾT ĐỜI”…thì còn nói gì nữa, hay còn gì để nói nữa chứ? Kakakaka…
Nhưng không, điều phải nói, điều đáng nói về thơ của Hùng Nguyễn nhiều lắm. Mây gió lắm. Mù sa lắm. Nắng nôi lắm…
“CHƯA CHI ĐÃ HẾT ĐỜI “ là tựa một tập thơ. Tập thơ dày trên hai trăm trang, tùy tiện dở đại vào một khúc, đó là trang mười bảy, gặp bài thơ “Em thơm như mùi bông tần ô tháng bảy”. Một bài thơ tình nói về em, hay và ngọt, và thương khó tả:
“Bông tần ô thơm đa tình
Tưởng mùi con gái quê mình bay qua
Thơm dã man, thơm thiệt thà
Ta. Thằng Mỹ khỏ buồn…da diết buồn.
Phải rồi. Tháng Bảy chuồn chuồn
Gắp hương bỏ gió, gió luồn chân mây
Bão ngồi chầu ngọn nam gầy
Ta ngồi… chực áo em bay thơm lừng…”
Thơ tình. Đề tài cũ rích. Nhưng chắc chắn đến khi loài người tận diệt thì đề tài này mới thôi viết. Thể loại thơ là lục bát, nếu có thêm một đại thi hào Nguyễn Du sẽ thừa ra một ông. Văn chương không phải là hạt giống hoa để mùa sau gieo xuống hao nở hệt mùa trước. Mà văn chương cần một tầm khác, đỉnh khác song song với những đỉnh cao đã có nhưng mang tâm hồn Việt đến một không gian tươi, mới khác. Và khi chưa xuất hiện những ngôi sao sáng chói được ngóng đợi, người đọc trân trọng những góp nhặt dù là bé nhỏ. Tôi tin, tác giả Hùng Nguyễn có được những điều rất đáng nễ vì, ông đã táo bạo trong cách “dùng chữ mới” những chữ đầy bụi bặm giang hồ vào thơ mình, mà nhất là vào thể thơ lục bát, một thể loại chứa nhịp điệu, chứa hò vè, chứa âm vần nghiêm ngặt. Trong đoạn thơ trên, tôi chưa từng đọc thấy hai chữ “mỹ khỏ” xuất hiện ở bất kỳ bài thơ nào, thể thơ nào. “ "Mỹ khỏ” là từ giang hồ đẻ ra. Hai chữ này vốn không có nghĩa. Giang hồ cũng không cần nghĩa. Có những câu, giang hồ nói cốt để kiếm tiếng cười hahaha, là xong trọng trách. Giang hồ cũng sinh ra cái gọi là nói lái, hay nói ngược…mỹ khỏ, nếu nói ngược lại là mỏ khỉ. Bản chất này, đi đâu kiếm, nếu không ở chốn thanh bần?
Tôi chắc chắn, sự đọc của tôi nhỏ nhoi, nhưng ít ra tôi đã đọc suốt trên năm mươi nay rồi. Vì thế, tôi thấy “đã”, thấy cảm khoái vì hai chữ trên đang nhảy múa rất điệu nghệ, và chúng đã làm cho cả bài thơ thú vị hơn hẵn.
Về hình tượng, em trong bài thơ được ví với một loại rau tần ô. Không biết phía Bắc gọi rau này là gì, nhưng tôi tin tần ô là tên rau ở phía Nam. Loại rau có lá như hoa cúc, cũng giống như cây ngải cứu. Cỏ lẽ chúng cùng một họ. Rau tần ô nấu canh có mùi hương ngây ngất…Ngày nắng có bát canh rau tần thì bữa cơm trưa ngọt lành vô cùng.
Cây tần ô chỉ có thể nở hoa khi “quá lứa, lỡ thì” trong vườn rau. Hoa tần ô có thơm không tôi không biết. Và nếu có thơm, áo “em” cũng đâu dễ vướng mùi. Nhưng bát canh mỗi ngày thơm ngát, thì tôi tin mùi hương còn vương là không lạ .
Nghe rằng có nhiều người bói Kiều. Cách bói là lật đại đến một trang nào đó, mắt nhắm, tay chỉ vào hai dòng nào đó, rồi sau thì bàn hai câu ấy… Giải ngược giải xuôi, đoán ngang, đoán dọc…về tình duyên, hậu vận, có cả đoán lô đề sáng mua chiều…giàu nữa. Vui phết.
Tôi áp dụng cách đó để đọc sách.
Cầm sách mới tùy tiện dở dại vào một trang. Sách hay cần nhiều thứ lắm. Ngoài câu chuyện thú vị, kịch tính dồn dập. Nhân vật mưu sâu kế dày, người thông minh hóa giải tốt…thì còn cần văn hay, kết cấu bất ngờ. Không ít tiểu thuyết chỉ đọc mươi trang đã đoán dược diễn biến. Không ít những bài thơ, câu thơ “hệt như cùng cha thẩm mỹ” sinh ra vì có vẻ ngoài, đến nội hàm đờ đờ, nhàn nhạt như nhau. Cho nên, với cách đọc như vậy, nếu gặp sách hay sẽ đọc từ từ. Thậm chí đọc mười lần, hai chục lần một quyển …Vẫn tìm ra chỗ cuốn hút. Sách dở…buông tay đi trồng hoa để mỗi ngày còn được ngắm hoa khoe sắc.
Tập thơ Hùng Nguyễn có 129 bài. Tôi có tập thơ đã lâu. Đã đọc vài lần, thấy bài nào cũng hay, hoặc có nhiều đoạn hay, câu hay. Có rất nhiều bài thơ, chỉ cần một câu hay làm “ làm kèo, làm cột” chống đỡ để cả bài thơ đứng được. Cho nên, có nhiều câu, nhiều đoạn hay đã là thơ…thứ thiệt.
Một trăm hai chín bài mà chọn bài này, bỏ bài kia cũng khó quá, thôi dùng kiểu bói may rủi, lật tới bài thơ nào thì săm soi bài thơ đó vậy. Chẳng phải, mọi thứ cứ đổ hết cho câu “ số mệnh nó vậy” là mọi tranh cãi đều trở nên mất tác dụng hệt đó sao?
Chiếc thẻ đọc lọt vào giữa quyển sách có hai trang 106- 107. Cả hai bên là đầu và cuối bài thơ “ Rượu Việt Bên Chiều Mỹ”.
Tác giả Hùng Nguyễn khi xuất bản tập thơ CHƯA CHI ĐÃ HẾT ĐỜI lúc đang sống tại xứ Huê Kỳ.
Vì sao ông ta sống bên Mỹ, tôi chưa từng tìm hiểu. Đầu quyển thơ có ghi Hùng Nguyễn. Sinh Năm 1957. Nghề nghiệp: Làm thuê. Quê quán Phú Yên. Việt Nam. Đang ở Massachusetts, USA.
Làm thuê nuôi thân. Phu chữ nuôi thần.
Hay!
Xin đừng hiểu lầm chữ thần đây thần thánh, mà là tinh thần. Phật. Thánh Thần giờ được mấy vị “thầy” thích đủ thứ hô hào cúng heo quay, gà quay, cúng tiền, cúng của. Có ai cúng chữ, cúng nghĩa gì đâu.
Có câu, chữ chính là thuốc của tâm. Không sai. Đọc, học và viết…Nhất định cái tinh thần phấn chấn, mạnh khỏe. Hay chí ít cũng khó loạn. Chữ…viết với chính bản thân, thế đã đủ lắm rồi.
Hóa ra hai chữ làm thuê in trên tập thơ…lại ý nghĩa đến vậy. Nhưng chỉ ghi làm thuê, có bần cố nông, hay bần nông thì lại không thấy ghi. Cho nên mù tịt. Mà nhiều chữ nghĩa như vậy chắc là dân mọt sách. Mọt sách thì gay to. E là mớ chữ nghĩa thánh hiền hun đúc, y bỏ bụng tư hữu ráo trọi rồi! Nói đi rồi phải nói lại. Xem ra, Hùng Nguyễn chẳng chút thời sự gì. Giờ, thiên hạ có tai, có mặt, có tăm, có hơi…đều bỏ vào bụng đất cát, sắt thép, sông, núi hay chí ít thì bỏ vào đó một cái bank…Mấy mớ chữ, ai có thì thoa đầu môi, trát lên miệng rao rao giảng giảng cũng từ không khí hái ra bạc giấy mà phải đem cân tính bằng tấn. Kinh luân đem bỏ bụng chỉ có nước đi tế …lễ, bụng lẹp như bụng xác ve, chứ tế thế…a. Đừng hòng.
Nhưng mà thôi. Với tôi, lý lịch nằm ngoài thơ. Hàng triệu người Việt ở nước ngoài có viết thơ đâu. Nhiều truyện người Việt trong nước có đọc thơ đâu. Nhưng tất cả họ đều có lý lịch…đọc lý lịch …đôi nghĩ đâm nghĩ ngợi…rồi nảy nòi buồn vu vơ thì biết kiếm ai mà giải sầu, ha. Đời người, những nỗi buồn đau có tên, có tuổi, có quê hương, có nguồn cội đã cuộn sóng ba đào năm này qua tháng khác, trầm luân trong ấy có khi mãi mãi không thoát ra nổi. Chuốc thêm những nỗi buồn vu vơ qua là phụ chính mình. Có câu nói, “ta thà phụ người”. Đúng như vậy, phụ chính mình rồi còn chi nữa để mà yêu?
Chiều nay, rượu bọt, lòng già nướng
Một xó, một mình nhớ cố hương
Sầu viễn xứ hề!
Sầu viễn xứ.
Chén rụng xuống sàn, vỡ, yêu thương.
Nhớ một miền xưa nơi rất xa
Bao chiều trăm chén tưới quan hà
Rót đầy thân thế.
Đầy hốc mắt.
Đầu giọt nào lăn- nhuộm hoàng hoa.
Ta quét đời ta lam nham bụi
Cay mắt đành cười xót cuộc vui
Người qua như gió
Như sương khói
Đâu biết từng rơi vết ngậm ngùi.
….
Tôi đoán Hùng Nguyễn thuộc típ những người bị chi phối bởi “Các anh hùng Lương Sơn Bạc” trong Thủy Hử của nhà văn Thi Nại Am. Trong thế hệ cùng thời, cùng lúc của nhà thơ Hùng Nguyễn, họ “ ăn ngủ “ cùng những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Họ còn yêu nàng Điêu Thuyền. Yêu cay đắng. Yêu vụn vỡ. Yêu ngùn ngụt… và hận mình không ở cùng thời với Lưu Bị, Quan Công để mà thề bồi huynh đệ Vườn đào rằng “sẽ cùng ngày tháng năm giỗ”. Ôi Tam Quốc Chí. Mấy ai tự nhận mình là người đọc sách cách đây 50 năm trở về trước mà có thể bỏ qua bộ sách này của La Quán Trung.
Cũng phải thôi, trạng của chúng ta cùng lắm thì cũng để lại cho hậu thế kiểu nhân cách “đá bèo” là hết sách. Học thuộc làu làu sẽ chỉ thành láu cá, láu lĩnh, khôn lỏi, khôn vặt …Không yêu các tác phẩm từng “ngàn năm đô hộ” biết yêu gì?
Thời qua… “như gió/ Như sương khói/Đâu biết từng rơi vết ngậm ngùi.”
“Áo em đỏ lửa thành Chiến quốc
Ta tiếc đời mình sớm Xuân thu
Qua nhau ngọn gió qua trăng mật
Mai mốt vai trần gánh lệ du.”
…
Môi đỏ , ơ kìa môi hôn nhuộm
Trầu cau mấy thắm hạn kinh kỳ
Răng em cắn vỡ ta…cồm cộp.
Từng miếng son hường…bất khả thi.
Trích bài thơ Bóng em rực đỏ. HN
…………..
Bài thơ “Rủ bạn về quê “ của Hùng Nguyễn thiệt buồn :” Ta rủ ngươi về đêm nướng bắp/ Trăng đêm mười bốn đã khoe rằm/ Bếp than lép bép chào tri ngộ? Sợ mỗi vẫy chào mỗi mười năm.”
Đời người, ai may mắn thì có đủ mười ngón tay đếm hết cho lần mười năm. Ai không thì, chẳng biết có đếm một lần mười năm mà hả dạ hả lòng? Nhưng may mắn vốn đành hanh. Chẳng biết sẽ nở nụ cười tươi thắm với ai và chau mày chau mặt với ai. Cho nên, một lần chào mỗi mười năm kiểu gì cũng bùi ngùi, dù là xem chân tơ kẽ tóc, hay mù lòa xem voi nói lấy được.
Ngậm ngùi là đặc quyền của trái tim vẹn nguyên yêu thương. Trái tim chia năm, xẻ bảy thì ngậm ngùi trở thành một món hàng, một vật có thể đổi chác…Hễ lợi…thì đừng nói đến ngậm ngùi, mà đến ngậm bồ hòn cũng…ok năm bờ oan.
“Ta rủ ngươi về thăm cổ tháp
Nghe gió linga thổi khúc Chàm
Trách chi tiên tổ đi mở đất
Lạc tiếng nhạn Hời hót phương nam.”
Đọc tới đây bỗng nhiên nhớ ngang, nhớ tức tưởi bốn câu thơ nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ.“Ai về bắc, ta đi với/Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Trời nam thương nhớ đất Thăng Long.”
Những người đi mở cõi. Ôi những anh hùng đi mở cõi “hồn ở đâu bây giờ”? Chén rượu từ lòng xin thành kính/ Rót đầy. Rót tràn…rót xuống kính thành thơ.
“Mấy thằng nằm dưới gốc cây
Có hay mây trắng vẫn bay về nhà
Ghé vào cặp mắt mẹ già
Mười năm khóc trẻ đến lòa nỗi đau
….
Mấy thằng nằm lại cuộc chơi
Có hay nhạc tế dạy đời chóng quên
Mười năm mẹ võng, chiều vênh
Bò lên bia vẹt khóc tên con mình.
Trích bài thơ Tử sĩ ca.HN.”
………….
Hùng Nguyễn sanh năm 1957. Ông chưa kịp trưởng thành để tự mình đứng về bên Thắng Cuộc hay Thua Cuộc. Ông chỉ có thể đứng cùng nhân dân. Cho nên, năm 1972 Hùng Nguyễn không kịp ra một tập thơ như Nguyễn Bắc Sơn. Tiếc thay. Người ta nói “ Đứng núi nào thì hát câu nấy”. Làm sao mà khác được. Nhưng hoa nở trái mùa…đâu ai thương hương tiếc ngọc. Sân khấu thiếu khán giả, tuồng hay ai vỗ tay?
Giả sử thôi, dù biết vạn cái nếu cũng không thành một tô mì tôm được, đừng nói chi dời non lấp bể. Nhưng năm 1973, Hùng Nguyễn in tập “Chưa chi đã thành tiên”…Rất có thể nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã đọc thơ của ông và bá vai quàng cổ, mời chén rượu đệ đệ huynh huynh rồi?
Nhưng mà…đời nhiều cạm bẫy lắm.
Tụng ca cũng là một kiểu cạm bẫy.
Đôi khi chiếc bẫy ấy chính tự mình giăng ra rồi hoan hỉ ngày ngày “mắc vào” trong đó.
Tôi từng đọc một bài thơ của ai quên mất tên rồi. Bài thơ kỳ lạ lắm. Đại ý của bài thơ là tác giả a đọc thơ. Tác giả b,c,d,e,x,z…cũng đọc thơ. Họ thi nhau đọc. Đọc hết buổi, hết ngày. Họ đọc ngân nga, đọc lên giọng xuống giọng một cách vô cùng đắm say. Họ đọc ngay cả khi không còn ai bên cạnh…Vì họ vốn say mê chính mình, giọng mình, chữ của mình…”câu văn mình, vợ người” có khi từ đây mà sinh ra.
Tự thưởng thức chữ mình, giọng mình. Ngân nga điều đó ngày này tháng nọ, khác gì tự gặm nhắm mình …mà tồn tại. “miệng ăn, núi lở”. Ăn mãi chính mình chẳng phải…mòn mỏi khô héo lắm sao?
Bởi vì, trong chiếc bẫy tự say đắm đó…còn nhìn thấy được bốn phương, tám hướng hay không thật khó nói. Nhưng bống phương tám hướng luôn tồn tại, luôn chứa đựng vô vàn những đỉnh cao mà có thể lúc náy còn che khuất, hoặc bị vùi lấp?
Thiếu thế giới mênh mông…lấy gì làm dưởng chất để tâm hồn cất cánh đến cõi bao la?
Có nhiều loại bẫy khác, bẫy được tỉ người. Bẫy qua chắc là tỉ năm vẫn còn triệu triệu người mắc bẫy. Những chiếc bẫy đó được cài vào đạo lý, vào chữ thánh nhân.
Nhìn mà xem khắp lượt sách thánh hiền phương Đông từ Chu Tử. Mạnh Tử, Khổng Tử…chính là nguồn cội đời nọ qua đời kia của đạo lý Châu Á. Hay chí ít là những gì tôi đọc được. Những đạo lý ấy câu nào cũng mượt, chữ nào cũng nhung, nhưng qui vào, cột vào chính là tòng tòng tòng. Ô hô. Thú vị ở chỗ, chữ tòng và chữ còng cùng một vân. Cùng giam giữ ai đó. Khác ở chỗ. Cái còng làm bằng vật chất. Cái tòng tạo nên bằng tâm tư. Nhưng hiệu quả thì tòng ăn đứt còng. Tòng còn được tụng ca nữa. Một cặp đôi chồng chinh chiến…không trở về thì vợ thành đá khô cứng theo . Chẳng ai được sống cả. Hoặc sống không ra sống. Để làm gì vậy? Nếu nhân sinh mỗi cặp đôi đều như thế chẳng phải tận diệt cả sao? Người đi chiến đấu mà không vì trẻ nhỏ và phụ nữ chính của gia đình mình, thì những điều khác…ích lợi gì? Một chữ tình ư?
“Tình như cây chổi đót
Quét vui buồn vào thơ
Ta đương không đi hốt
Rác rưởi em khù khờ.
Hẹn ngày kia ngày nọ
Thương đôi bề tấc gang
Mở lòng như quán trọ
Đón đời nhau…quy hàng.”
Trích bài thơ Ngũ ngôn tình. HN
Cả đời nương nhờ thơ chữ làm mạch sống như Hàn Mặc Tử…bị vài kẻ nói điên. Nhưng Hàn nói lên tấm lòng mình. Một “sự điên” khiến người người say thơ Hàn như điếu đổ. Và dù có ai, nhìn theo chiều gió chướng về thơ Hàn cũng phải thừa nhận Hàn Mặc Tử “không ăn theo, nói leo.”
Nhà thơ Bùi Giáng lại điên để mà viết thật. Âu cũng là một cách tự ngụy trang để sống đó thôi. Đời này, phải tự biết, không hại bất kỳ ai những nếu không có tâm phòng bị, e bị hại thê thảm rồi còn phải cung kính nói cảm ơn nữa đó.
Thôi thì, những tao nhân, mặc khách tự lấy thơ mình nuôi tâm mình, cũng là những người hơn đời lắm lắm rồi. Xin bái phục!
………..
Thôi thì…
“Dắt nhau về động an như
Rải vầng trăng cũ xuống hư ảo vàng.” Trích thơ Hùng Nguyễn.
Chẳng biết động an như ở đâu, nhưng cỏ cây thì ở đâu cũng tìm được. Tâm người có an như với cây cỏ hay không, lại là một chuyên đề…như ma trận, lạc vào đó lại khó để an như.
Thôi thì theo nhà thơ Hùng Nguyễn cầu may vậy.
“Lang thang nhặt được cuộc tình
Liêu trai nhan sắc tận nghìn trùng xa
Luân trần mấy cõi thịt da
Gió đi mặc gió- Chiều qua mặc chiều!”.
____________
19/03/2024
NLC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét