Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Viết về TRỊNH CÔNG SƠN - Phiếm luận của Hùng Nguyễn.



Phiếm luận:

      Trịnh Công Sơn có gì mà ghê gớm?
 alt


    Có người phụ nữ rất yêu thương tôi vẫn thườnng bảo tôi rất giống ông Trịnh Công Sơn (Ừ, có lẽ tôi giống ông Trịnh bởi cái vóc người “mình hạc xương mai” và cặp mắt kiếng, dù ông Trịnh mang kiếng cận từ trẻ còn tôi chỉ mang kiếng viễn mới mấy năm để đọc sách và vào mạng. Người mà tôi thấy giống ông Trịnh nhất có lẽ là anh bạn trẻ Lê Thiếu Nhơn, nhưng Nhơn thì đẹp trai trắng trẻo hơn Trịnh nhiều).


    Nói chung, tôi là tên ghen ghét Trịnh Công Sơn có điều kiện. Ghen ghét bởi tính ganh tỵ đương nhiên cố hữu rất Người. Ghét ghen thế mà vẫn thật lòng kính nể trân trọng.


    Tôi biết đến Trịnh Công Sơn từ năm 1968, khi đang học lớp Nhất trường Nam Tiểu Học Cộng Đồng Tuy Hòa, biết ông qua bài Gia Tài Của Mẹ và Giọt Mưa Trên Lá mà cứ mỗi chiều cả lớp lại rống họng hợp ca sau các bài kinh điển Việt Nam hay Học Sinh Hành Khúc v… v… Lớn lên một chút biết dần thêm nhạc Trịnh qua Ca Khúc Da Vàng và qua hai giọng hát chuyên Trịnh là Lệ Thu và Khánh Ly  (Khánh Ly không có biệt danh gì như sau này người ta gượng gạo ghép nhầm cả. Thời ấy, Thanh Thúy được gọi là Tiếng hát Liêu Trai hoặc Tiếng Ca Ma Túy, Thanh Tuyền: Nữ Hoàng Boléro, Lệ Thu: Nữ Hoàng Tango, Bạch Tuyết: Cải lương Chi Bảo, Út Bạch Lan: Sầu Nữ v…v…)


     Thời ấy,  chúng tôi đã mê Trịnh Công Sơn, không biết TCS là coi như chưa xóa xong nạn mù văn hóa văn nghệ, anh nào muốn làm ra vẻ am tường văn chương mà không mở mồm ra là thao thao bất tuyệt về hiện tượng Nhạc Trịnh thì đúng là thứ đồ dỡm.


    Thật sự, (chỉ riêng cá nhân tôi thôi), ngồi uống cà phê nước trà mà thưởng thức Trịnh thì chỉ như mới liếm láp được cái phần Xác của Trịnh, a dua chứ đếch biết gì. Bỡi TCS suốt một đời say, say ngon say lành, viết trong cõi say, trong miền tim say (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Thực tế, mỗi ngày TCS có thể tự nạp năng lượng cho mình đến 2 chai Rémy-Martin hoặc tương đương số lượng như thế. Bạn hãy thử một lần say phiêu phất mà bước vào thế giới Âm Thanh Ngôn Ngữ của Trịnh mà xem, bạn sẽ chạm thấy được cái Hồn của Trịnh, tan vào cái Tâm của Trịnh. Ôi, cái Tâm cái Hồn của TCS luênh loang niềm ma mỵ !


    Trịnh là Thơ ? Trịnh là Nhạc ? (Thi trung hữu nhạc hay Nhạc trung hữu thi đây?). Khó ai có thể phối ngẩu được một cuộc hôn nhân đến xão diệu đến thế, tuyệt vời đến thế. Ca từ và cung bậc cứ âu yếm dắt díu nhau rời nhân gian mà tìm cuộc mây mưa hoan lạc nơi cuối trời. Người ta vẫn cứ bới móc từng cái khuyết điểm thường sai văn phong văn phạm trong chữ nghĩa ông, thường phá luật trong khuôn nhạc ông. Nhưng kệ mẹ nó, ông TCS ạ, trái tim luôn có sự nguệch ngoạc đáng yêu của nó. Hêêê… hêêê… bố ai dịch nổi nhạc Trịnh ra tiếng nước ngoài nên cũng đừng hòng có cái thứ gọi là ca khúc nhạc Việt lời Ngoại từ nơi TCS nhé!


    Trịnh Công Sơn và Thiền ? Tức cười, các ngài Hành giã Thiền quái gỡ dở hơi cứ chăm chăm gán ghép lẽ Thiền lên nhạc Trịnh. Một gã tu rượu ừng ực cả ngày làm thế quái nào mà mà ngồi kiết già dẫn khí cho nổi. Phải chăng TCS chỉ buông thả ngẫu hứng một cách vô thức trong từng bước liêu xiêu trong nơi chốn Người mà đạt đến cảnh giới Túy Tửu Thiền Du ?


    Trịnh Công Sơn và Tình ? Ngẫm ra, ông Trịnh cũng chẵng có chút gì nổi bật ở đây. Thì cùng lắm cũng đa tình hào hoa như bất cứ gã nghệ sỹ có chút tài hoa mà thôi. Bao huyền thoại tình sử TCS cũng từng được nhân gian dựng lên với lắm ngưỡng mộ, lắm dè bĩu bôi bác. Hú hồn, phước nhà ông lớn, ông không dính bẫy một cú hôn nhân nào, bình yên mà bơi xuôi theo cùng từng bóng dáng bên đời mà từ đó tự nguyện trở thành tác nhân cho nguồn sáng tạo bất tận của mình. Cám ơn họ nhé, ông Trịnh ! (Hêêê… hêêê…Tôi tin chắc Chim ông Trịnh không có vấn đề gì như lũ diều hâu vẫn đơm đặt, Chim không “xôn xao” nổi thì làm chó gì có cảm xúc mà hót lời sỏi đá ?).


    Trịnh Công Sơn và Chính kiến ?...(Tôi xin mạn phép lược bỏ đoạn này, không khéo lại chết lây thê thãm với ông Trịnh mất)…


    Trịnh Công Sơn không đủ sức làm học trò của ai và cũng không có ai đủ sức làm học trò của ông cả. Ông đi được một cách bình thản trên con đường hoang hóa của mình bằng chính đôi chân mình thậm chí không vết chân sau nào dẫm lên chính cả vết chân trước của mình như năng lực đích thực của một tài hoa đích thực. Tôi ghen ghét Trịnh Công Sơn. Và tôi… tâm phục Trịnh Công Sơn.


    Tôi vốn mắc chứng Bới móc đến tận cùng (phải không, em yêu?). Thế là tôi lặng lẽ tìm tòi nghe người ta hát Trịnh, tấu Trịnh. Biết bao nhiêu nhạc công tên tuổi, biết bao nhiêu giọng hát đẵng cấp Diva, Thiên vương; nhưng với tôi, chỉ riêng tôi thôi nhé, vẫn muôn đời là một saxophone Trần Vĩnh cuồng cuộn đam mê bất tận với Trịnh, vẫn là một nghèn nghẹn Khánh Ly nghẹt mũi cảm cúm lời da diết thủy chung với Trịnh. Hay đến nỗi bàng hoàng, hoãng hốt, đông cứng… Nhưng cuối cùng người hát Trịnh hay nhất vẫn là… Tôi. Với một chiều cô quạnh cơn say nhẹ nhàng chân chất, một không gian 20 mét vuông karaoke, một mái tóc dài ngất ngát bên mình, và… Một Cõi Đi Về… Ôi, hay đến tuyệt đỉnh, ông Trịnh của tôi ơi!



         (HÙNGNGUYỄN - viết ngày 01/4/2012)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét